Thúc đẩy tiến bộ và bình đẳng giới trong ngành công thương
Nhằm nâng cao nhận thức mọi mặt cho nữ cán bộ, công nhân, viên chức (CBCNVC), các đơn vị trong ngành Công Thương đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới.
Lao động nữ chiếm tỷ lệ cao
Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước” ra đời là sự quan tâm lớn của Đảng đối với phụ nữ và công tác phụ nữ. Hơn 10 năm qua (2007 – 2017), Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực về quyền bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn ngành, thể hiện bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch hành động, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ; chú trọng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật.
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Công đoàn Công Thương Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới; nghiên cứu, xây dựng và phát triển nhiều chương trình; tổ chức hoạt động, chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng. Đảng ủy các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc Bộ đã quan tâm, chú trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai sâu rộng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước…
Nhìn chung, công tác cán bộ nữ được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm; ngày càng nhiều chị em được đưa vào quy hoạch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị; được bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo quan trọng của ngành Công Thương. Hiện tại, tính riêng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tập đoàn, tổng công ty, công ty do Bộ Công Thương quản lý, cơ cấu lao động nữ chiếm gần 33% trong tổng số gần 500.000 người; tính chung trong toàn ngành, lao động nữ chiếm hơn 44% trong tổng số hơn 11,5 triệu lao động. “Cơ cấu lao động nữ cao đã đóng góp lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, DN trực thuộc Bộ và của toàn ngành Công Thương” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh – khẳng định.
Sẵn sàng hành trang cho lao động nữ
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra không ít hạn chế: Một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác nữ; cấp ủy, lãnh đạo chính quyền còn khắt khe trong việc đánh giá, ngại lựa chọn tuyển dụng cán bộ và lao động nữ. Dù có nhiều chính sách, cơ chế quan tâm đến cán bộ nữ, song do đặc thù phụ nữ Việt Nam khiêm tốn, tâm lý e dè, ngại va chạm vẫn còn tồn tại trong tư duy, nên nhiều nữ CBCNVC chưa phát huy hết năng lực
Trong thời kỳ mới, ngành Công Thương phải có những đột phá quan trọng và ngày càng hội nhập mạnh mẽ hơn, Thứ trưởng đề nghị, các đơn vị cần thực hiện tốt chính sách liên quan đến giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ… Đặc biệt, tạo điều kiện cho cán bộ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra; kịp thời giải quyết những đề xuất, kiến nghị liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CBCNVC.
Nguồn: ” vinatex.com “